LaptopVANG là một trong những đơn vị đầu tiên về chiếc Dell Latitude 5430 2022 – Mẫu laptop dành cho doanh nghiệp được mong chờ nhất năm nay của Dell. Đồng hành cùng LaptopVANG sẽ là diễn đàn công nghệ lớn nhất Việt Nam – Tinhte.vn sẽ đưa đến cho các bạn những hình ảnh cũng như thông tin về sản phẩm.
Thiết kế không hấp dẫn, nhưng có ý nghĩa
Đúng vậy, Latitude 5430 không có vẻ ngoài sexy, cuốn hút từ cái nhìn đầu tiên như Zenbook hay Dell XPS hay MacBook….Thậm chí ở một khía cạnh nào đó về một chiếc ultrabook thì Latitude 5430 lại quá dày. Nó có độ dày là 19.3mm, dày hơn cả chiếc Razer Blade 15 Advanced 2022 nữa, nhưng điểm ăn tiền đầu tiên đó chính là nó nhẹ. Cân nặng cho phiên bản 14″ này là 1.36kg mà thôi. Máy dày nhưng mà lại nhẹ thì thấy nó cứ sai sai sao ấy nhỉ?
Lý do lớn nhất khiến cho Dell Latitude cảm giác nhẹ và cầm nắm, bỏ ba lô cực kì thoải mái đó là chất liệu nhựa sinh học. Dell Latitude 5000 series chính là dòng laptop đầu tiên của Dell được làm từ vật liệu nhựa sinh học. Theo Dell, mặt A của máy chứa 21% nhựa sinh học, 30% nhựa tái chế và 20% sợi carbon tái chế.
Thực sự là khi mình chuyển từ chiếc máy tính full kim loại 1.6kg sang chiếc máy này thì ba lô đi làm của mình đã nhẹ hơn thấy rõ, mình không cảm nhận được máy ở trong ba lô của mình, đây là lợi điểm lớn của Dell Latitude 5430 để bù đắp cho việc vẻ ngoài của nó không hấp dẫn. Nhưng đó là mình đoán dựa trên suy nghĩ của anh em thôi chứ với cá nhân mình, Dell Latitude 5430 vẫn có một sự hấp dẫn riêng từ thiết kế, nó không hào nhoáng nhưng có cái gì đó cứng cáp, mạnh mẽ và chuẩn doanh nghiệp.
Cái sự chuẩn doanh nghiệp nó còn đến từ các cổng kết nối, đầy đủ từ nhà đến trường: USB-C Thunderbolt 4, USB-A, HDMI, RJ45, jack 3.5mm, khe thẻ microSD hay thậm chí là khe SIM 4G LTE, nhưng đây là một tùy chọn.
Vẻ đẹp nó đến từ sự đơn giản đó. Không phải tự nhiên mà Dell và Apple là hai hãng có thể nói lười sáng tạo nhất về thiết kế bên ngoài của laptop, nhưng vẫn bán được máy và độ nhận diện thương hiệu thì khỏi bàn luôn. Logo Dell đặt ở chính giữa, hơi cách điệu chữ E và một vòng tròn bao quanh nó đã ăn sâu vào tiềm thức người dùng rồi, thay đổi là một sự đánh đổi rất lớn, phàm cái gì đang làm tốt thì không nên thay đổi. Thế đó, một chiếc laptop doanh nghiệp sự hào nhoáng không đến từ bên ngoài, mà nó sẽ cuốn hút người dùng từ bên trong.
Hiệu năng không phải mạnh nhất nhưng dùng rất “cuốn”
Dell Latitude 5430 dĩ nhiên sẽ sử dụng nền tảng Intel 12th gen Alder Lake mới nhất và cụ thể thì CPU của máy được trang bị là Core i5-1235U 10 nhân 12 luồng, 2 nhân P-core có thể boost xung tới 4.4GHz và 8 nhân E-core xung tối đa là 3.3GHz, RAM của máy là 16GB LPDDR4 và SSD 256GB PCIe 3.0×4.
Core i5-1235U là dòng CPU tiết kiệm điện của Intel, TDP chỉ là 15W và đây cũng là lần đầu tiên mình được trải nghiệm dòng CPU hậu tố U đời 12 của Intel. Alder Lake-H và P mình đã trải nghiệm qua và hiệu năng của nó thực sự ấn tượng, không biết Alder Lake-U này sẽ thể hiện ra sao. Vào ngay bài benchmark Cinebench R23 thì bất ngờ là điểm đơn nhân của nó không thua kém gì Core i5-1260P hay kể cả Core i7-1280P trên những chiếc máy khác. Xung nhịp ở bài test đơn nhân luôn ở mức 3.9GHz-4.0GHz P-core và công suất ổn định ở mức 20W. Qua bài test đa nhân thì xung toàn nhân sẽ khoảng 2.7GHz và ổn định ở 2.2GHz.
Về RAM, tuy vẫn sử dụng DDR4 nhưng xung khá cao 3200MHz và đặc biệt là có thể nâng cấp được. Theo Dell thì ở mức tùy biến cấu hình có sẵn thì chỉ nâng cấp tối đa 16GB mà thôi, nhưng Dell cũng cho người dùng tùy biến sâu hơn với dung lượng RAM tối đa là 64GB. Tương tự như vậy là với SSD tối đa 2TB PCIe 4.0.
Phiên bản cấu hình của mình đang có gần như là cơ bản nhất, chỉ có nâng cấp thêm RAM và mức giá trên site của Dell là 1600 USD nhưng Laptopvang đang bán ra với mức giá chỉ 23 triệu mà thôi, đây là một con số hợp lý cho một chiếc máy sẽ đem lại hiệu suất làm việc cao cho anh em.
Màn hình sẽ là điểm tiếp theo
Latitude sẽ có khá nhiều tùy chọn màn hình nhưng chủ yếu sẽ không thay đổi kích thước (14″) và độ phân giải (FullHD) cũng như là tấm nền (WVA). Thứ người dùng có thể tùy chọn là có cảm ứng hoặc không, độ sáng (250 nits – 300 nits hay 400 nits), webcam 720p hay 1080p IR và có thanh gạt vật lý hay không.
Chất lượng hiển thị của Dell Latitude 5430 sẽ làm cho các anh em đồ họa phải thất vọng khi gam màu NTSC của máy chỉ xấp xỉ 45% và sRGB chỉ khoảng gần 70% mà thôi. Đổi lại máy có sự trong trẻo nhất định và độ sáng 250 nits đủ để làm việc trong nhà, còn ngoài trời sẽ khó nhìn.
Nhưng chợt nhớ ra rằng đây là một chiếc laptop doanh nghiệp, hiệu suất công việc là chủ yếu, quan trọng hơn nhiều việc phải có màu đẹp hay độ chính xác màu cao, thế nên màn hình không phải là thứ Dell đầu tư nhiều cũng là điều dễ hiểu, cá nhân mình cũng không có vấn đề gì với màn hình của chiếc máy này cả, nó có đối tượng hướng đến hẳn hoi rồi. Thứ làm cho mình thích chiếc máy này hơn màn hình đó là bàn phím.
Bàn phím gõ phê khỏi bàn, touchpad tracking tốt nhưng khó nhấn
Gõ phê là điều đầu tiên, trong đó bao gồm độ nảy của phím cực kì tốt, cảm giác rất nịnh tay, thứ hai là hành trình phím đủ sâu (1.6mm) và thứ ba là layout cực kì hợp lý. Gõ bàn phím của Latitude 5430 phê thực sự, nó là thứ khiến mình tập trung và quên đi hẳn những yếu tố khác khi làm việc, dù ở khía cạnh nào đó chưa bằng ThinkPad nhưng cũng được xếp chung mâm với HP EliteBook chứ không đùa.
Touchpad của máy được phủ kính và khả năng tracking rất chính xác, ổn nhưng cụm phím click chuột trái/phải khá cứng và khó để nhấn.
Phần mềm nhiều tính năng cho doanh nghiệp
Dell cho chúng ta rất nhiều phần mềm để tùy chình: Dell Power Manager cho phép tùy chỉnh 4 mức độ hiệu năng, tùy chỉnh về thời gian sạc, tùy chỉnh và cách sạc pin,…Dell Optimizer cho phép tùy chỉnh về audio, microphone, về mạng với việc kết nối đến 2 mạng cùng một lúc (Dell cũng nói rằng đây là dòng laptop đầu tiên của hãng làm được điều này) gọi là Express Connect…và nhiều tính năng khác nữa phục vụ cho công việc. Laptop doanh nghiệp là thế, sẽ có những tính năng mà một chiếc ultrabook phổ thông sẽ không có được.
Dell Latitude cũng sẽ đi kèm với Windows 11 Pro với khả năng chạy máy ảo, tính năng ảo hóa Hyper-V…Ngoài ra còn có tùy chọn Linux nữa. Như chiếc máy của mình khi nhận máy không có bất kì một driver nào từ Wi-Fi, Bluetooth, driver màn hình, loa, touchpad…Và mình phải đi cài thủ công, mình đoán rằng chiếc máy của mình trước đó được cài đặt sẵn Linux và bên cho mình mượn đã cài lại một bản Windows 11 Pro khác.
Tóm lại
3 ngày với Dell Latitude 5430 202223 triệu, một chiếc laptop chuẩn doanh nghiệp và nếu xét rộng ra ở trong phân khúc này thì sẽ có nhiều chiếc laptop khác có thiết kế đẹp hơn, bắt mắt hơn, sang chảnh hơn Dell Latitude 5430, màn hình đẹp hơn…Nhưng quay về cốt lõi của vấn đề: Laptop doanh nghiệp sinh ra để làm gì? Nếu anh em là một người đam mê công việc, quan tâm về hiệu suất làm việc và đặt khả năng giải quyết vấn đề lên trên hết thì hãy cứ mạnh dạn mua Latitude 5430 đi, anh em sẽ không hối hận đâu và có khi anh em lại bị nó cuốn vào guồng công việc mà không dứt ra được 😁.
Phía trên là cảm vài cảm nhận của Mod Huy bên Tinhte.vn. Bài viết thuộc bản quyền của Tinhte.vn – LaptopVANG rất hân hạnh được đồng hành.
Xem bài viết đầy đủ tại đây