Chúng ta không còn quá xa lạ với việc tìm kiếm tất cả mọi thứ trên Google. Vậy làm sao để tìm kiếm trên Google một cách hiệu quả giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu suất công việc. Hãy cùng LaptopVang tìm hiểu cách Google hoạt động như thế nào trước khi tham khảo một số mẹo hay trong bài viết dưới đây.
CÁCH GOOGLE SEARCH HOẠT ĐỘNG
1. Xác định Website đang tồn tại
Một trang web mới được khởi tạo Google sẽ không biết được ngay lập tức là nó đang tồn tại. Google cần thời gian để xác định được là Website đó đang sống. Nhưng bằng cách nào để xác định?
2. Xác định nội dung trên Website
Sau khi biết được trang đó có tồn tại, Google sẽ tìm hiểu xem: trang đó nói về gì. Bằng cách: thiết lập chỉ mục (Indexing) cho trang đó.
Tức là các Googlebot sẽ thu thập nội dung các đường link, các thẻ nội dung chính và các thuộc tính, chẳng hạn như thẻ <title> và thuộc tính alt, hình ảnh, video và các nội dung khác. Những thông tin này được lưu trong Google Index tạo thành một Database khổng lồ để khi người dùng tìm kiếm nó sẽ vào và đưa ra kết quả nhanh chóng. Quá trình này gọi là Indexing (thiết lập chỉ mục).
3. Tìm kiếm kết quả
Khi mọi người nhập từ khóa cần tìm vào ô Google Search sau đó bấm Enter. Lúc này Google sẽ chui vào mớ Google Index bên trên để tìm kiếm và xếp hạng thứ tự xuất hiện kết quả trả về trong vòng chưa tới… 1 giây (quá kinh khủng phải không nào?).
Về phía người dùng cuối như chúng ta, thì việc nắm được nguyên lý hoạt động trên cũng rất quan trọng. Quan trọng ở chỗ, mọi người biết được Google nó dựa vào đâu để tìm. Từ đó, mình sẽ điều chỉnh sao cho những thứ mà mình nhập vào ô tìm kiếm sẽ tập trung vào cách mà Google tìm để cho ra kết quả mong muốn nhằm tiết kiệm thời gian.
Thông qua những mẹo dưới đây, chúng ta sẽ tập trung thẳng vào câu hỏi. Và dựa vào câu hỏi đã được tối ưu đó, Google sẽ chui thẳng vào kho Index cần tìm, để moi ra đúng thứ chúng ta cần.
Khi đó kết quả trả ra sẽ được thu hẹp và khớp với những gì chúng ta yêu cầu hơn.
- Ví dụ mình gõ [từ khóa tìm kiếm] >> Google trả ra 250,000,000 kết quả (một rừng kết quả, mà chưa chắc đúng thứ mình cần).
- Còn khi hiểu được cách Google tìm kiếm và nắm được những mẹo dưới đây, chúng ta sẽ tối ưu được như sau.
Chúng ta gõ: [từ khóa tìm kiếm] >> Google chỉ trả ra 250 kết quả, và khớp hoàn toàn với nhu cầu chúng ta tìm kiếm.
Một số lưu ý khi gõ từ khoá tìm kiếm trên Google:
#1 Thứ tự xuất hiện từ khóa khác nhau sẽ cho ra các kết quả khác nhau.
#2 Viết thường hay viết hoa không quan trọng.
Ví dụ: kết quả tìm kiếm [LAPTOPVANG] sẽ giống như [LaptopVang] hay [laptopvang].
#3 Có một vài ký tự đặc biệt (¶, £, €, ©, ®, ÷, §, %, (), @, ?, !) mà Google chưa phân biệt được.
Ví dụ: kết quả tìm kiếm [% Laptopvang] sẽ y hệt [Laptopvang]. Tương tự với những ký tự còn lại.
#4 Không cần quan tâm chuyện chính tả.
Ai cũng biết Google sửa lỗi đánh máy sai hoặc chính tả sai rất kinh khủng. Nên khi Search từ khóa tiếng Anh, chúng ta không cần quan tâm đến việc mình ghi chính tả có đúng hay không, hoặc có bị sai cấu trúc ngữ pháp hay không.
#5 Nhớ chú ý đến mạo từ đứng đầu câu.
Ví dụ: kết quả tìm kiếm cho [who], [a who] và [the who] sẽ khác nhau hoàn toàn. Thử Search xem sao nhé.
Sau đây là một số mẹo cụ thể giúp chúng ta tìm kiếm hiệu quả hơn.
Mẹo 1: Định nghĩa nhanh
Khi chúng ta gặp một từ mà không biết nghĩa, thông thường sẽ search theo cú pháp quen thuộc “Từkhoá” là gì. Thay vì search như thế chúng ta sẽ search define “Từkhoá”. Điểm khác biệt của cách search này sẽ cho ra kết quả đầu tiên định nghĩa chuẩn của từ khoá cần tìm hơn là các trang web không chính thống viết về nó.
Mẹo 2: Tìm theo loại file
Nếu chúng ta muốn tìm hiểu về một vấn đề gì đó nhưng chỉ thích đọc tệp PDF, thì chúng ta chỉ cần search theo cú pháp: [Từ khoá filetyple:pdf].
Mẹo này cũng áp dụng cho nhu cầu tìm một bài báo, khóa học, đề tài nghiên cứu nào đó (bên cạnh scholar.google.com). Các loại tệp có thể tìm kiếm bao gồm: PDF, DOC, DOCX, PPT, PPTX, TXT, CSV, DAT, và KML.
Một ví dụ đơn giản như mình cần tìm hiểu thông số kỹ thuật của Surface Pro 7 từ nhà sản xuất. Đơn giản chỉ cần Search: Surface Pro 7 filetype:pdf và Enter ra kết quả ngay và luôn.
Kết quả cho ra sẽ hoàn toàn là File PDF
Mẹo 3: Loại bỏ từ khóa bất kỳ
Mấu chốt của mẹo này là chúng ta chỉ việc đặt dấu “-” trước từ khóa mà mình muốn Google loại ra. Ứng dụng của chiêu này rất lợi hại nhé.
Ví dụ mình muốn tìm những bài review về sách “Tiểu sử Steve Jobs”, tức là chỉ đơn thuần review về sách – chứ không phải tìm nơi bán. Nghĩa là mình muốn đọc cảm nhận của mọi người về cuốn sách này.
Thì nếu chúng ta chỉ đơn giản search [sách Tiểu sử Steve Jobs] thì kết quả sẽ ra rất nhiều các bài mô tả để bán sách. Hoặc đa phần là kết quả của các trang Thương Mại Điện Tử review vài dòng sơ sài để bán sách.
Vì vậy để có kết quả mong đợi mà không phải ngồi dò hết các kết quả đó, chúng ta hãy thay đổi cách Search bằng từ khóa: [sách Tiểu sử Steve Jobs -giá -giảm]. Hoặc nặng đô hơn là bỏ luôn mấy đơn vị TMĐT như: [sách Tiểu sử Steve Jobs -tiki -fahasa -lazada -shopee].
Hãy bấm thêm dấu “-” để loại bỏ những trang không muốn tìm đến
Mẹo 4: Tìm kiếm theo nhiều từ khóa
Cú pháp tìm kiếm của mẹo này là: [keywordA OR keywordB]. Dùng để tìm kiếm nhiều từ khóa cùng một lúc: A hoặc B hoặc C hoặc D…. đại loại vậy.
Mẹo này cực kỳ hữu dụng trong những trường hợp chúng ta cần tìm kiếm nhiều nội dung cùng lúc nhưng chỉ muốn kết quả trả ra có chứa từ khoá cần tìm kiếm.
Mẹo 5: Kết quả trả ra bắt buộc phải có từ khóa đó
Giả dụ chúng ta thực hiện tìm kiếm Google với câu hỏi sau: [TừKhóa1 TừKhóa2 TừKhóa3] và Google trả ra kết quả nhưng vô các trang kết quả lại chỉ thấy TừKhóa1, TừKhóa2, mà không thấy TừKhóa3 ở đâu???
Lý do vì Google đánh giá mức độ quan trọng của “TừKhóa1″ và “TừKhóa2″ cao hơn so với nguyên cụm đủ 3 từ khóa xuất hiện cùng lúc “TừKhóa1 TừKhóa2 TừKhóa3″.
Do đó, đôi lúc nó sẽ bỏ rơi “TừKhóa3″ và dẫn tới kết quả tìm được sẽ không thấy TừKhóa3 đâu, khiến chúng ta rất bực mình.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta chỉ cần đặt từ khóa mà mình muốn xuất hiện trong trang kết quả ngay sau cụm “intext:” [TừKhóa1 TừKhóa2 intext:TừKhóa3].
Ví dụ bạn cần tham khảo Dell XPS và chỉ muốn tất cả kết quả trả về đều của LaptopVang nhưng nếu search cụm từ khoá này thì nó sẽ hiển thị thêm rất nhiều kết quả của các trang web khác. Thử xem thôi nào!! Dell XPS intext:laptopvang
Mẹo 6: Tìm bằng hình ảnh
Đây là mẹo mình nghĩ ít người nào để ý mặc dù nó khá rõ ràng. Đó là tìm hình ảnh bằng hình ảnh. Hay vậy đó, vì Google không chỉ đọc được chữ, mà nó còn đọc hiểu được cả hình ảnh.
Anh em vào Google Search >> chọn Hình Ảnh. Lúc này anh em sẽ thấy một icon camera như sau.
Mẹo 7: Search Settings & Tools
Mẹo sẽ dùng hai chức năng cùng lúc, đó là: Search Settings và Search Tools.
Search Tools sẽ giúp chúng ta tìm kết quả theo một vài tham số sau:
- Quốc gia – ví dụ chỉ tìm kiếm kết quả từ các trang của Việt Nam, Lào, Campuchia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp…
- Thời gian – ví dụ chỉ tìm các kết quả từ mốc thời gian nào đến mốc thời gian nào (cả từ khóa thời gian, lẫn thời gian URL đó được Google Index nhé).
- Màu sắc – đối với tìm kiếm hình ảnh.
- Loại ảnh – cũng áp dụng riêng với tìm kiếm hình ảnh.
- Cuối cùng là tìm đúng nguyên văn từ khóa được nhập vào.
Thông thường khi search, Google sẽ chạy thuật toán với các tiêu chí khác nhau để chọn kết quả. Nhưng cũng có lúc, các từ khóa bị đảo ngược thứ tự xuất hiện trên các trang kết quả. Đôi lúc dẫn tới kết quả không đúng như chúng ta muốn. Những lúc thế này, hãy dùng tới Search Tools với chức năng: search Nguyên văn (Verbatim). Cụ thể chúng ta chỉ cần bật chức năng này lên, Google sẽ trả ra các kết quả với đúng y xì từ khóa anh em cần tìm kiếm.
Hy vọng những mẹo trên sẽ giúp các bạn tìm kiếm hiệu quả hơn với Google!