Sao lưu dữ liệu hay Backup dữ liệu là một phần tất yếu của cuộc sống khi bạn cùng lúc sử dụng từ máy tính, điện thoại, máy tính bảng và nhiều những sản phẩm kĩ thuật số khác. Và đây là những sai lầm thường thấy khi sao lưu dữ liệu của người dùng.
Có Backup nhưng không hẳn là Backup
Phần lớn người dùng mới nghĩ về sao lưu dữ liệu đều sẽ thực hiện ngay việc sao lưu bằng cách đi mua một ổ cứng ngoài và thực hiện việc sao lưu ngay lập tức, hoặc là sử dụng các nền tảng online để bắt đầu quá trình sao lưu. Nhưng sau đó thì không có sau đó nữa, chỉ là ý nghĩ thoáng qua và đã có một bản sao lưu dự phòng ở một khoảng thời gian nào đó rồi nên không còn nghĩ đến việc sao lưu dữ liệu liên tục.
Sao lưu dữ liệu cũng phải cần có chiến lược và thời gian cụ thể, mỗi người mỗi nhu cầu khác nhau nhưng nhìn chung sẽ cần phải sao lưu theo một mốc thời gian để đảm bảo các dữ liệu luôn mới, không bị quá cũ đồng nghĩa có cũng như không, không dùng được.
Chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc sao lưu dữ liệu
Nếu bạn thực hiện sao lưu dữ liệu như một hành động mơ hồ chỉ biết là sao lưu và chưa từng gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào về dữ liệu. Thì đây rõ ràng chưa phải là một hành động nghiêm túc với dữ liệu mà bạn sao lưu. Nếu như bạn có thể hình dung được việc gì sẽ xảy ra với dữ liệu của bạn khi toàn bộ máy tính bị hỏng, dự án chưa được sao lưu, khách hàng hối thúc, thì câu chuyện có thể sẽ khác hơn.
Hay là trong trường hợp 5 hoặc 10 năm nữa, khi con bạn lớn, cha mẹ đã già đi thì khi xem lại những hình ảnh cũ, dữ liệu cũ chỉ là nằm trong trí tưởng tượng chứ không còn bất kì thông tin nào cả.
Đừng chọn giá rẻ, hãy chọn sự yên tâm
Trong mọi tình huống sao lưu dữ liệu, kiểu gì cũng sẽ tốn tiền theo một cách nào đó, ngay cả khi bạn tận dụng các thiết bị cũ của mình. Nhưng điều quan trọng trong việc sao lưu dữ liệu là liệu nó có bền hay không, có ổn định lâu dài, có dễ xem, dễ sao lưu hay không nữa. Với một lượng nhỏ dữ liệu thì các nền tảng online vẫn luôn có các gói miễn phí với mức dung lượng vừa phải để lưu trữ, kể từ mức 5GB thì cũng đã lưu được rất nhiều hình với định dạng nén tốt.
Nhưng nếu như bạn có một lượng lớn dữ liệu lên đến vài terabyte thì sẽ cần xem xét các giải pháp lưu trữ tốt hơn, vừa đảm bảo yếu tố lưu trữ vừa có được mức giá hợp lí với nhu cầu.
Đừng sao lưu theo thói quen, hãy để hệ thống tự thực hiện
Mỗi hệ thống sao lưu, bao gồm cả nền tảng online đều có các cài đặt liên quan để tự động sao lưu. Điều này giúp bạn luôn giữ được file mới, còn việc sao lưu theo thói quen có khi cả tuần sử dụng bạn lại quên mất và không kịp sao lưu các dữ liệu của mình.
Sao lưu dữ liệu chứ đừng chỉ sao chép, đồng bộ
Việc bạn đồng bộ dữ liệu lên các nền tảng, điều này không đồng nghĩa bạn đang sao lưu dữ liệu của mình. Trong tình huống giả định các tài liệu của bạn được sử dụng và hiệu chỉnh liên tục, vì vậy thì những tài liệu gốc dần mất đi và bạn sẽ không thể nào truy cập được tài liệu gốc nữa khi chọn đồng bộ lên các nền tảng, còn sao lưu dữ liệu thì sẽ là cách để bạn vừa truy cập cả tài liệu mới và tài liệu cũ, điều khác biệt lớn nhất so với đồng bộ dữ liệu thông thường.
Sao lưu dữ liệu tại nhà: Rủi ro thiên tai
NAS là một giải pháp tuyệt vời dành cho những người dùng cần tốc độ cao kết hợp dung lượng lớn, giá thành hợp lí. Mà đôi khi các nền tảng online không cho phép cùng lúc cả ba điều này. Nhưng bạn cũng cần lưu ý với các sản phẩm vật lí khi lưu trữ tại nhà thì vẫn có những vấn đề về thiên tai, hoả hoạn, mà hầu hết người dùng đã gặp phải rồi mới chú ý. Trong khi đó với các nền tảng online thì sẽ luôn có những nguồn dữ liệu dự phòng khác, và các cách bảo vệ phòng tránh thiên tai, song hành với bảo vệ dữ liệu của người dùng.
Nhưng nhìn chung bên cạnh ổ đĩa sao lưu chính tại nhà, bạn có thể xem xét thêm giải pháp ổ đĩa sao lưu khác tại một vị trí khác, ở một nơi khác hoàn toàn với vùng bạn đang ở, thì nó sẽ chia nhỏ rủi ro của bạn đi gấp nhiều lần.
Sao lưu dữ liệu online dĩ nhiên là chậm hơn
Sao lưu dữ liệu trực tuyến là một giải pháp tốt cho người dùng cá nhân, không phải cho doanh nghiệp khi có một lượng lớn dữ liệu cần đồng bộ xuống, nó phụ thuộc vào tốc độ mạng đáng kể, vì vậy bạn có một lượng lớn dữ liệu cần đồng bộ, giải pháp online không là là sự lựa chọn tốt. Nhưng không hẳn là không có cách, ví dụ như việc chia nhỏ các sao lưu của bạn, đồng bộ từng phần, đồng những thứ cần dùng trước và những thứ khác sẽ dần được tải về theo sau trong quá trình làm việc.
Với những dữ liệu lớn, cần khôi phục nhanh chóng, các giải pháp vật lí vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu. Bạn có thể chia nhỏ cả online và offline, những thứ nặng sẽ để offline, còn nhẹ hơn, thì online với số lượng nhiều như hình ảnh chẳng hạn. 20GB với online có thể sẽ nhanh, nhưng nếu lên đến vài terabyte bạn sẽ cần cân nhắc về chúng khá nhiều.
Sao lưu theo nhiều cách khác nhau: ‘Nóng’ và ‘lạnh’
Sao lưu dữ liệu với các cách khác nhau sẽ cần những giải pháp khác nhau, nếu như bạn đã có định kì sao lưu, thì sử dụng các thiết bị lưu trữ theo dạng ‘nóng’ truy cập liên tục và ngay cả loại ‘lạnh’ định kì mới dùng cũng là lựa chọn mỗi người. Có những tài liệu như hình ảnh mặc dù cũng sao lưu nhưng có thể cả tháng hoặc là cả quý hơn mới mở ra sử dụng nên tuỳ thuộc nhu cầu mà lựa chọn giải pháp một cách hợp lí nhất.
Thông thường các giải pháp lưu trữ offline được xem như là ‘cold backup’ sao lưu xong rồi để đó, thỉnh thoảng mới dùng lại. Ngay cả khi máy tính bạn bị hư thì các file bạn vẫn còn đó trong ổ đĩa, bạn có thể để đó vài tháng và sau đó sửa máy tính lại và tiếp tục mở ra sử dụng bình thường. Nhưng khi bạn sử dụng backup liên tục thì từ ‘cold’ nó đã trở thành ‘hot’. Nên phải phân chia chúng cho những loại dữ liệu đặc thù.
Mã hoá các dữ liệu sao lưu
Không nhiều người dùng nghĩ đến nhưng khi bị rò rĩ dữ liệu chắc chắn sẽ rất tai hại, vì nó là một lượng dữ liệu khổng lồ trong toàn bộ thời gian mà bạn đã sao lưu trên các hệ thống lưu trữ offline.
Nhưng việc mã hoá cũng đồng nghĩa nó sẽ chiếm dung lượng lớn hơn, tốn nhiều thời gian hơn để mở với số lượng dữ liệu càng lớn sẽ càng cồng kềnh hơn trong vận hành, nên sẽ cần cân nhắc kĩ lưỡng về những thứ cần mã hoá hoặc không cần.
Kiểm tra cách khôi phục dữ liệu
Sai lầm tai hại sau cùng và mang đến thiệt hại nặng nhất cho người dùng là có giải pháp, có thiết bị, nhưng không thể dùng được. Vì chưa bao giờ thử khôi phục lại dữ liệu với giải pháp mình đang có. Sao lưu dữ liệu tốt thì nó phải khôi phục lại dữ liệu được, nếu không, nó không hề mang đến giá trị gì.
Vì vậy hãy chắc chắn là giải pháp của bạn, bạn đã thử sao lưu, thử khôi phục và nó hoạt động hoàn hảo trước khi sử dụng trong thời gian dài. Có thể thử với các dữ liệu kích thước nhỏ để cho ra kết quả nhanh nhất mà không cần phải dùng lượng lớn dữ liệu.