LaptopVANG là một trong những đơn vị uy tín tại Việt Nam chuyên những dòng sản phẩm MSI Creator. Đồng hành cùng LaptopVANG sẽ là diễn đàn công nghệ lớn nhất Việt Nam – Tinhte.vn sẽ đưa đến cho các bạn những hình ảnh cũng như đánh giá chi tiết về MSI Creator M16 (2023).
Mức giá gốc của chiếc máy này ban đầu khi chưa giảm giá cũng khoảng 36 triệu đồng, rõ ràng là rất hấp dẫn với cấu hình nó có được. MSI Creator M16 cũng có một màn hình đẹp để xứng với cái tên, đủ để anh em có thể edit video và chỉnh sửa hình ảnh, làm các dự án cá nhân.
Mục lục
Hiệu năng của MSI Creator M16
Nhóm người dùng mà MSI Creator M16 hướng đến dĩ nhiên là những người dùng sáng tạo nội dung, ở mức cơ bản hoặc bán chuyên. Với cấu hình này, qua những tác vụ thử nghiệm của mình thì nó đáp ứng được một cách mượt mà.
Với Blender, Lightroom hay Photoshop, các phần mềm dành cho anh em thiết kế sử dụng rất nhiều thì việc render hay mở một file psd nhiều layer, xuất hình ảnh với 50 files RAW GFX100 không có gì khó khăn với Creator M16, nhiệt độ GPU chỉ khoảng 80 độ C và CPU có cao hơn chút là khoảng 90 độ, quạt gió kêu khá ồn (điều hiển nhiên với một chiếc laptop cấu hình cao), GPU sẽ tiêu tốn khoảng 100W điện và CPU là 80W.
Thời gian gần đây mình trải nghiệm khá nhiều những chiếc laptop có cấu hình tương tự như MSI Creator M16, sau đó mình rút ra được rằng đây là cấu hình phù hợp để anh em vừa làm việc, vừa giải trí khi mà RTX 4060 với lượng VRAM dồi dào hơn RTX 4050, lại có số lượng nhân CUDA nhiều hơn và độ rộng bus cũng lớn hơn, nên nhìn tổng thể sẽ cho anh em được hiệu năng tốt hơn, dù có thể nó sẽ có cùng mức TGP lên đến 140W. So với RTX 3050Ti của phiên bản năm ngoái thì rõ ràng RTX 4060 tốt hơn rất nhiều.
Còn với Core i7-13620H, đây cũng không phải dòng CPU yếu, nó có 10 nhân trong đó 6 nhân P và 4 nhân E, xung turbo cũng đạt 4.9GHz và TDP mặc định là 45W. Với những dòng CPU nhiều nhân, nó sẽ giúp ích khi anh em mở nhiều cửa sổ trong Photoshop, hoặc mở rất nhiều layer để làm việc, thế hệ CPU Intel 13th Gen được Intel cải thiện tính năng Thread Director để các nhân P và E tự động xử lý dựa vào các tác vụ của người dùng đang thực hiện.
Với chiếc laptop này, phần mềm MSI Center có nhiều chế độ hiệu năng khác nhau, hoặc là tự động (Smart Auto) hoặc là anh em tự động điều chỉnh, ngoài ra còn có sự bổ trợ của MUX Switch cũng như NVIDIA Advanced Optimus để tối ưu hiệu suất chơi game. Khi hoạt động với hiệu suất mạnh nhất, quạt gió ồn là điều khó tránh khỏi trên laptop, còn nếu chuyển về chế độ cân bằng hay tiết kiệm điện, riêng với MSI Creator M16 mình cảm thấy có sự giật lag trong quá trình sử dụng, còn quạt gió thì không giảm đi là bao. Kiểm tra bằng Hwinfo64 thì CPU lúc này (chế độ Balanced) sẽ tiêu tốn khoảng 50W còn GPU sẽ là 70W.
Cuối cùng thì nếu là mình mình vẫn sẽ chọn chế độ Peformance để có được hiệu năng tốt nhất, đổi lại mình sẽ chọn một chiếc tai nghe để có được trải nghiệm làm việc tốt.
Màn hình của MSI Creator M16
QUẢNG CÁO
Điểm mình thích đó là viền màn hình của nó rất mỏng, thậm chí viền dưới còn mỏng hơn viền cạnh trên, thành ra khi mở màn hình chiếc laptop này ra mình rất thích sử dụng và nhìn vào màn hình của nó. Tỉ lệ 16:10 cũng góp phần giúp cho màn hình của Creator M16 trông đẹp mắt hơn, ngoài việc giúp mở rộng không gian làm việc với các phần mềm sáng tạo như Premiere Pro, Photoshop hay Blender.
Điều đáng tiếc nhất đó chính là tốc độ làm tươi 60Hz, nó làm giảm trải nghiệm đi kha khá khi mà mình đã dùng quen những màn hình có tốc độ làm tươi cao rồi. Mình không nghĩ người dùng sáng tạo lại không cần đến một màn hình có tốc độ làm tươi cao, ví dụ khi anh em dùng Premiere Pro, nếu có màn hình 90Hz hay 120Hz thì anh em di chuột hay kéo màu trong đó cũng sẽ cảm thấy mượt mà hơn thấy rõ.
Riêng với việc chơi game, do Creator M16 chỉ có màn hình 60Hz thôi nên nếu thưởng thức các tựa game Esport thì chưa thoả mãn, nhưng game AAA thì hoàn toàn ổn với các tựa game thế giới mở như RDR 2, GTA V, Alan Wake II, Cyberpunk.
Thiết kế của MSI Creator M16
Thiết kế chính là điểm mình không đánh giá cao MSI Creator M16 ở yếu tố sáng tạo, vì nếu nói đó là một chiếc laptop sáng tạo, thì ít ra nhìn vào chiếc laptop phải có được sự hứng khởi, hoặc nó phải tạo ra cho người dùng niềm cảm hứng để sử dụng, đây là điều mình chưa thấy được trên Creator M16.
Chiếc laptop này không phải là không đẹp, nó hầm hố và với màu đen xì trông nó rất mạnh mẽ và nam tính. Mình rất thích nhìn vào mặt A của máy và ngắm nó từ xa, MSI rõ ràng vẫn duy trì được kiểu thiết kế này qua nhiều năm và nó vẫn đẹp.
Vấn đề mình muốn nói là nó quá giống một chiếc laptop gaming, kiểu thiết kế này anh em đã quá quen khi nhìn qua những dòng MSI Katana hay MSI Cyborg, nhưng với một chiếc laptop dành cho creator, cá nhân mình mong muốn nhiều hơn, ít nhất là đèn LED RGB cho bàn phím thay vì LED trắng đơn điệu.
Thêm một điểm nữa mình cũng khá tiếc cho Creator M16 đó là nó thiếu vắng đi khe thẻ SD và Thunderbolt 4, các cổng kết nối cực kì quan trọng cho người dùng sáng tạo.
Đổi lại thì Creator M16 rất có build quality chắc chắn, rất khó để làm chiếc máy này bị cong hay có chút flex nào khi gõ phím. Build của Creator M16 chủ yếu là nhựa nhưng mặt A là kim loại, được sơn phủ anodize nhám cùng với logo khắc chìm thực sự là ngầu, nhưng lại rất dễ bám vân tay. MSI cũng thiết kế Creator M16 thông thoáng và dễ nâng cấp, sửa chữa thay thế linh kiện khi cần thiết và hỗ trợ tốt cho việc tản nhiệt. Creator M16 có thể nâng cấp RAM tối đa 64GB và SSD 2TB.
Mặt D của Creator M16, gần như anh em sẽ thấy được các ống heat pipe và 2 quạt tản, kiểu thiết kế này sẽ rất tốt cho việc tản nhiệt.
Bàn phím gõ tốt, layout full-size với hàng phím số nhưng đây lại là chi tiết mình chưa ưng, bởi vì keycap ở phím số quá nhỏ và nó quá sát nhau, giống như MSI đang cố gắng đưa hàng phím số này vào và nó vô tình khiến cho khu vực bên phải trở nên chật chội. Mình đã ấn nhầm khá nhiều lần phím mũi tên lên và mũi tên phải với phím số 0 và phím Enter.
Touchpad bên dưới phủ nhựa, di chuột thì khá rít, bù lại tracking ổn cũng như có thêm cảm biến vân tay để mở khoá màn hình. Mình vẫn chưa hiểu vì sao laptop gaming lại không có bảo mật sinh trắc học còn laptop creator thì lại có 😁.
Pin của MSI Creator M16
Pin của MSI Creator M16 cũng không cho thời lượng sử dụng quá tốt, 52Whr với khoảng 3 tiếng sử dụng liên tục cho nhu cầu lướt web và gõ văn bản, độ sáng 75%, đây là mức trung bình mà thôi. Nhìn chung pin vẫn là vấn đề của đa số những chiếc laptop hiệu năng cao chạy Windows, nó không chỉ liên quan đến thời lượng sử dụng mà còn liên quan đến hiệu năng. Nếu muốn có trải nghiệm tốt nhất thì cắm sạc vẫn là phương án tối ưu ở thời điểm hiện tại.
Tạm kết về MSI Creator M16
Tổng kết lại, MSI Cretor M16 có điểm mạnh lớn nhất nằm ở hiệu năng và màn hình, hai yếu tố này MSI Creator M16 làm rất tốt, tuy nhiên vẫn còn vài điểm mà mình nghĩ MSI có thể cải thiện trong phiên bản kế tiếp, ví dụ như thiết kế cần bắt mắt hơn và gợi cảm hứng hơn, bàn phím, touchpad, hệ thống loa, cổng kết nối…