Mục lục bài viết:
Giới thiệu Microsoft Surface Pro 4
Máy Surface Pro 4 là mẫu sản phẩm lai mới nhất của Microsoft chạy Windows 10 với thiết kế đáp ứng được nhu cầu người dùng cần sự gọn nhẹ cả trong công việc lẫn giải trí di động.
Cùng tìm hiểu về sản phẩm Surface Pro 4 – Windows 10 – Intel Core M3
Cấu hình phần cứng dựa trên nền tảng Skylake nhấn mạnh vào tính di động đồng thời cũng chú trọng hơn đến sự tương tác giữa thiết bị với người dùng khi đi kèm chiếc bút cảm ứng Microsoft và Type Cover, bàn phím vật lý kiêm lớp vỏ bảo vệ màn hình khỏi trầy xước khi di chuyển.
So với thiết kế màn hình xoay 360 độ của một số thiết bị lai khác như HP Pavilion x360 và Lenovo IdeaPad Yoga 11, ưu điểm của thiết kế dạng đế cắm sẽ tối ưu khi sử dụng như một máy tính bảng khi tháo rời phần bàn phím. Điều này cũng đồng nghĩa với kích thước, trọng lượng của sản phẩm giảm đáng kể và thậm chí tương đương với nhiều mẫu tablet cùng kích cỡ.
Dù vậy thời gian dùng pin của Surface Pro 4 vẫn cần cải tiến tốt hơn. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề riêng của Surface Pro 4 hay Microsoft mà cả với dòng sản phẩm lai có thể tháo rời bàn phím nói chung khi đối mặt với bài toán thiết kế. Phải đảm bảo sự linh hoạt và thoải mái nhất khi sử dụng mà không phải đánh đổi về hiệu suất hoặc thời lượng pin của sản phẩm.
Sản phẩm có giá tham khảo 999 USD (Microsoft store) và hiện tại Việt Nam dao động ở mức 28 triệu đồng, không bao gồm Type Cover.
Chấm điểm sản phẩm Microsoft Surface Pro 4 của người dùng
Bảng thông số kỹ thuật cơ bản Surface Pro 4
- Bộ xử lý: Intel Core i5 – 6300U (2,4 – 3,0GHz, 3MB smart cache)
- Bộ nhớ: 4GB DDR3, bus 1600 MHz
- Display: 12,3 inch, cảm ứng điện dung, 2.736 x 1.824 pixel, PixelSense Display
- Đồ họa: HD Graphics 520
- Ổ cứng: SSD 128GB, M.2
- Camera: mặt trước 5.0 MP và 8MP (sau)
- Cổng giao tiếp: 1*MiniDP, 1*USB 3.0, microSD card reader, headphone tích hợp micro
- Kết nối: Bluetooth 4.0, Wi-Fi 802.11ac
- Kích thước, trọng lượng: 29,2 x 20,1 x 0,85cm. 786 gram
- Hệ điều hành: Windows 10 Pro
- Thời lượng pin: khoảng 9 giờ
- Phụ kiện đi kèm: Surface Pen
Ưu điểm Surface Pro 4
- Sản phẩm có thiết kế đẹp, ấn tượng với khả năng chuyển đổi để sử dụng như máy tính bảng.
- Màn hình cảm ứng đa điểm, độ phân giải cao, chất lượng hiển thị tốt.
- Hiệu năng tổng thể, năng lực xử lý đồ họa không kém laptop tiêu chuẩn.
- Bút cảm ứng đi kèm có độ nhạy cao, sử dụng linh hoạt.
- Tản nhiệt hoạt động hiệu quả.
Khuyết điểm Microsoft Surface Pro 4
- Giá cao.
- Thời lượng pin trung bình.
Chúng ta có thể thấy là sản phẩm Surface Pro 4 có rất ít khuyết điểm! Đúng không nào?
Kiểu dáng, thiết kế
Như chúng ta đã biết là mục tiêu thiết kế máy tính Surface Pro 4 mà Microsoft hướng đến là một sản phẩm cho nhiều mục đích sử dụng. Vì vậy Surface Pro 4 phải mỏng nhẹ như những tablet khác, đảm bảo sự tương tác của người dùng thoải mái cùng cấu hình phần cứng đủ cho nhu cầu làm việc lẫn giải trí di động.
Cụ thể kích cỡ sản phẩm vẫn tương đương với thế hệ cũ nhưng mỏng nhẹ hơn một chút với độ dày chỉ 8.5 milimet, cân nặng 786 gram so với Microsoft Surface Pro 3 là 9.1 milimet và 798 gram. Tất nhiên chúng ta khó có thể cảm nhận được những con số chênh lệch này khi sử dụng thực tế.
Microsoft Surface Pro 4 vẫn sử dụng chất liệu hợp kim nhôm – magie tạo được sự chắc chắn và độ bền cao. Hệ thống bản lề với góc mở rộng, cho phép tùy chỉnh linh hoạt theo nhu cầu sử dụng. Cũng nói thêm là kích thước màn hình Pro 4 đã tăng lên 12,3 inch nhờ thu nhỏ phần viền, mang lại không gian hiển thị nội dung rộng hơn Pro 3 cũ.
Cụm camera của Pro 4 cũng được nâng cấp, kết hợp cùng tính năng mới Windows Hello cho phép bạn đăng nhập thiết bị dựa trên nhận diện khuôn mặt hoặc võng mạc thay cho xác thực bằng mật khẩu truyền thống. Xem chi tiết thử tính năng đăng nhập với Windows Hello tại đây.
Màn hình hiển thị
Microsoft Surface Pro 4 trang bị màn hình cảm ứng 12,3 inch độ phân giải 2.736 x 1.824 pixel cùng mật độ điểm ảnh đạt 267 ppi, tức cao hơn khoảng 24% so với Pro 3 (độ phân giải 2.160 x 1.440 pixel, 216 ppi).
Thử nghiệm thực tế trong môi trường văn phòng cho thấy hình ảnh hiển thị sắc sảo, tươi sáng, các bước chuyển màu, mức độ sáng tối cũng như sắc xám và trắng dễ phân biệt, mang lại cảm giác dễ chịu khi làm việc với bộ ứng dụng văn phòng.
Công nghệ PixelSense Display của Surface Pro 4 giúp tăng cường chất lượng hiển thị, không chỉ có độ tương phản, độ sáng cao mà còn giúp góc quan sát và khả năng chống chói tốt ngay cả khi sử dụng ngoài trời hoặc trong môi trường nhiều nguồn sáng khác nhau.
Bên cạnh lớp kính Gorilla Glass 4 có độ mỏng chỉ 0,4 mm tăng khả năng chịu lực và hiệu quả chống trầy xước cao. Màn hình Microsoft Surface Pro 4 còn được trang bị chipset điều khiển cảm ứng G5 để đạt được tốc độ phản hồi cao nhất với ngón tay người dùng khi “chỉ trỏ” trực tiếp cũng như cảm giác dùng bút vẽ một cách tự nhiên hơn.
Chẳng hạn với hai game kinh điển là Angry Birds và Plants vs Zombies, cảm giác trơn mịn do độ ma sát thấp giúp thao tác vuốt, chạm trực tiếp nhẹ nhàng, linh hoạt và đơn giản hơn so với khi dùng touchpad.
Surface Pen và Type Cover
Cận cảnh chiếc Surface Pen của Microsoft Surface Pro 4
Surface Pen là chiếc bút cảm ứng đi kèm với công nghệ Palm Block đặc trưng, có thể dùng để ghi chú lập lịch sự kiện, tạo mẫu đồ họa và nếu khéo tay hơn nữa thì tập tô màu với các mẫu có sẵn trong Fresh Paint.
Điểm khác với Surface Pen của Pro 3, thiết kế Surface Pen mới đơn giản hơn khi chỉ có hai nút chức năng cơ bản tương ứng với phím phải chuột và eraser để xóa đi những nét vẽ hoặc viết sai. Ngoài ra, độ nhạy của bút cũng cao hơn rất nhiều khi có thể phân biệt 1024 mức cảm ứng lực, so với con số 256 của Pro 3. Như vậy, bạn có thể xem Microsoft Surface Pro 4 như một bảng vẽ và sử dụng Surface Pen như một cây bút để thỏa sức sáng tạo.
Type Cover của Microsoft Surface Pro 4 được đánh giá là rất êm
Một trong những thay đổi lớn của Surface Pro 4 là Type Cover, bàn phím vật lý kiêm lớp vỏ bảo vệ màn hình khỏi trầy xước khi di chuyển. Lưu ý Type Cover là phụ kiện không đi kèm máy nên phải mua bổ sung, giá 130 USD với bản tiêu chuẩn hoặc 160 USD với phiên bản trang bị cảm biến vân tay.
Type Cover được Microsoft thiết kế lại tận dụng khá tốt không gian nhỏ gọn của sản phẩm. Trừ nhóm phím chức năng phía trên khá nhỏ thì kích thước các phím còn lại lớn, khoảng cách giữa các phím hợp lý, tương tự bàn phím chiclet của laptop tiêu chuẩn nên không mất nhiều thời gian để làm quen.
Thử nghiệm thực tế cho thấy các phím nhấn êm, Hành trình phím chỉ 1,6 mm tối ưu cho việc sử dụng di động, mang lại trải nghiệm tốt và êm nhẹ hơn, đèn nền LED tiện dụng khi làm việc trong môi trường thiếu sáng.
Kích thước trackpad cũng rộng hơn tới 40% so với phiên bản cũ, tích hợp cả hai phím chức năng trái phải chuột với độ nhạy cao. Đây cũng là điểm cộng của sản phẩm vì giao diện Windows và các ứng dụng desktop truyền thống vẫn chưa được xem là phù hợp cho việc dùng ngón tay điều khiển. Việc soạn thảo văn bản hoặc thao tác trỏ chuột chính xác trên màn hình cảm ứng gần như là “ác mộng” với nhiều người dùng.
Đánh giá hiệu năng Surface Pro 4
Thử nghiệm với phần cứng nền tảng Skylake với chip Core i5-6300U, đồ họa tích hợp HD Graphics 520, 4GB RAM và SSD 128GB giao tiếp M.2. Kết quả thử nghiệm thực tế cho thấy sức mạnh Microsoft Surface Pro 4 không hề kém cạnh những mẫu laptop mỏng nhẹ mà Tinhte từng thử nghiệm. Ở đây chúng ta sẽ lướt qua việc xem xét Pro 4 như một tablet tiêu chuẩn vì cấu hình phần cứng trên thừa sức đáp ứng các nhu cầu lướt web, theo dõi tin tức, đọc ebook hoặc xem phim ảnh giải trí.
Xét về hiệu năng tính toán, chip Skylake chỉ nhanh hơn Broadwell đời trước một chút nhưng thay đổi lớn nhất nằm ở đồ họa tích hợp hỗ trợ thư viện DirectX 12 và tăng cường hỗ trợ SSD giao thức NVMe với băng thông tối đa lên đến 64 Gb/s.
Điểm cộng đáng giá của đồ họa tích hợp trong chip Skylake là năng lực xử lý được cải thiện qua mỗi thế hệ. Việc cải thiện các đơn vị thực thi lệnh (execution unit – EU) giúp nâng cao khả năng xử lý hình ảnh 3D, hỗ trợ tốt video chuẩn 4K, đáp ứng nhu cầu giải trí đa phương tiện hay chơi được nhiều tựa game hơn.
Cụ thể trong phép thử game tầm trung là Alien vs. Predator ở độ phân giải 1.280 x 720 pixel, chất lượng đồ họa Medium, Surface Pro 4 đạt 28,2 fps (khung hình/giây); và thậm chí với Tomb Raider cũng đạt 24,1 fps khi đẩy độ phân giải lên chuẩn Full HD và giảm chất lượng đồ họa xuống mức Low. Với kết quả này, bạn có thể chơi tốt hấu hết game online đình đám hiện nay như DotA, League of Legends, Starcraft 2 hoặc The Witch 3. Xem chi tiết kết quả thử nghiệm bên dưới.
Về tốc độ truy xuất dữ liệu của SSD qua phép thử AS SSD Benchmark cho thấy tốc độ đọc dữ liệu tuần tự của ổ cứng cao nhất là 764,4 MB/s ghi đạt 99,9 MB/s và tốc độ đọc dữ liệu 4K đạt 37,6 MB/s.
Thời lượng pin Surface Pro 4
Lưu ý là việc đánh giá pin của một thiết bị nói chung phần lớn sẽ phụ thuộc vào công cụ và tùy vào kịch bản thử nghiệm mà kết quả nhận được sẽ khác nhau. Trong đó, PCMark 8 Home tập trung vào các tác vụ duyệt web, nhập dữ liệu, chỉnh sửa hình ảnh, video chat và cả chơi game giải trí nhằm đưa ra kết quả gần đúng với thực tế của người dùng gia đình nhất.
Khả năng tản nhiệt của Surface Pro 4
Với phép thử đồ họa 3DMark Cloud Gate, quạt hoạt động hơi ồn nhưng vẫn chứng tỏ hiệu quả cao khi nhiệt độ cao nhất của bộ xử lý chỉ 62 độ C. Đây cũng là điểm cải tiến của Microsoft Surface Pro 4 qua ứng dụng bộ tản nhiệt chất lỏng, thay vì chỉ dùng quạt làm mát để đẩy không khí nóng ra ngoài như Pro 3.
Không có bình luận.